GRABBIKE ĐIỀU CHỈNH CÁCH TÍNH CƯỚC - AI LỢI VÀ AI THIỆT?

Grab Việt Nam đã áp dụng cách tính cước mới cho dịch vụ GrabBike từ ngày 24/2/2018. Câu hỏi cốt lõi nhất của sự thay đổi này là: Khách hàng đang được đặt ở đâu? Mọi sự thay đổi, nếu khách hàng có lợi thì đều được hoan nghênh, nhưng nếu khách hàng bị thiệt thì sẽ là một vấn đề.
Thêm loại cước "tính theo thời gian"…
Cách tính cước mới áp dụng cho dịch vụ GrabBike tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc là 12.000 đồng/2km đầu tiên, mỗi km tiếp theo thay vì cước 3.800 đồng thì nay giảm xuống còn 3.400 đồng. Tuy nhiên, GrabBike áp dụng thêm loại cước mới "tính theo thời gian di chuyển" (sau 2km đầu tiên) là 300 đồng/phút. Có nghĩa là, cứ sau 2km là khách hàng phải chịu thêm loại cước mới này.
Với khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam khác khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, là sau 2km thì mỗi km tiếp theo có giá là 3.500 đồng (giảm ít hơn khu vực phía Bắc 100 đồng/km) và cước tính theo thời gian sau mỗi phút là 350 đồng (cao hơn mức của khu vực phía Bắc 50 đồng/phút).
Đại diện Grab Việt Nam cho rằng, "cách tính giá cước mới nhằm hỗ trợ các đối tác tài xế GrabBike có thu nhập tốt hơn khi hoạt động trong thời gian cao điểm, những khu vực có mật độ giao thông đông đúc, khó di chuyển, từ đó khuyến khích đối tác hoạt động hiệu quả hơn và giảm thiểu tình trạng kén chọn cuốc xe".
Cần biết rằng cách tính cước này không phải là quá mới. Trước đây, Uber khi còn hoạt động tại Việt Nam cũng đã từng áp dụng. Tuy nhiên, dư luận cũng đã từng phàn nàn về cách tính cước này là "cước chồng cước" song không thành làn sóng mạnh mẽ.
GrabBike từ lâu nay chưa bao giờ tính cước theo kiểu này. Khách hàng GrabBike bình thường cũng cảm thấy giá cước phải chăng nên không chú ý nhiều đến việc giá cước đắt hay rẻ như so với bên GrabCar. Hay nói cách khác, việc điều chỉnh giá cước ở mức nhỏ hay điều chỉnh cách tính cước đối với GrabBike, khách hàng không cảm thấy tăng quá mạnh, ít quan tâm cho nên cũng ít dẫn đến phản ứng.
Ngược lại, suốt vài năm qua, sự phản ứng đến từ dịch vụ GrabBike chính là từ phía đối tác tài xế. Đặc biệt là khi lượng tài xế GrabBike ngày càng đông lên, có thể lên đến cả trăm ngàn người, mức thu nhập bình quân/tài xế đã không còn được như trước đây.

Khách hàng thiệt nhiều hơn lợi
Như đã nói, theo đại diện Grab Việt Nam, việc điều chỉnh cách tính cước GrabBike từ ngày 24/2/2019 chủ yếu là vì quyền lợi là tăng thu nhập trực tiếp cho đối tác tài xế. Nhưng giữa tài xế với khách hàng đi GrabBike đương nhiên là có mối quan hệ hữu cơ: Tài xế ít kén chọn cuốc xe, đặc biệt vào giờ cao điểm, hay các khu vực xảy ra tình trạng kẹt xe, ngập úng.v.v… thì khách hàng sẽ nhanh được đáp ứng cuốc xe hơn, không phải mất thời gian chờ lâu hoặc không bắt được xe trong một quãng thời gian dài.
Song cũng trong tình huống trên, người tiêu dùng cũng sẽ phải chi trả nhiều hơn so với trước đây.
Thứ nhất, lâu nay người tiêu dùng đi GrabBike đã phải chịu chính sách cước giờ cao điểm, ngày ngập lụt hay mưa bão, khu vực ùn tắc giao thông. Trong lịch sử, với GrabCar, mức cước ngày ngập lụt và mưa bão có thể cao hơn cả taxi truyền thống vài lần. Còn với GrabBike, giá cũng tăng hơn trong các thời điểm và hoàn cảnh trên.
Một khi áp dụng thêm cách tính cước theo thời gian di chuyển, rõ ràng là có xảy ra tình trạng "cước chồng cước". Đơn cử, khách bắt xe GrabBike vào giờ cao điểm trong ngày đã phải chịu chính sách cước theo giờ cao điểm, nếu đi vào khu vực ùn tắc di chuyển mất nhiều thời gian hơn lại phải chịu thêm loại cước tính theo thời gian di chuyển, sẽ đẩy tổng mức cước tăng lên.
Nhưng vấn đề chính còn nằm ở chỗ, cước tính theo thời gian di chuyển theo block "1 phút" là quá dày. Đành rằng cước mỗi phút chỉ 300 đồng hoặc 350 đồng tùy theo khu vực, nhưng với mật độ tính theo phút dày như thế, trong trường hợp đường xá đông người xe, sẽ đẩy giá cước tăng lên kha khá trong cơ cấu cước tổng của cuốc xe.
Xét về đại thể, việc tính thêm cước theo thời gian di chuyển cũng có mặt hợp lí của nó, vả lại phía Grab cũng điều chỉnh giảm cước cự li xuống cho thấy có cân nhắc nhiều mặt vì quyền lợi các bên. Tuy nhiên như đã nói, sự cân nhắc này có lẽ vẫn chưa toàn diện khi chọn block thời gian tính cước là "1 phút". Việc chốt cứng block "1 phút" thể hiện sự không linh hoạt có thể sẽ dẫn đến những bất hợp lí. Thay vào đó, nếu sử dụng block thời gian đa dạng và (ví dụ 1 phút, 2 phút, 3 phút…) linh hoạt hơn theo từng cự li và hoàn cảnh, thì giá cước được tính sẽ sát hơn cho cả tài xế và khách hàng, như vậy quyền lợi các bên đều hài hòa.
Với cách tính cước theo block như GrabBike vừa áp dụng, tài xế có lợi nhưng khách hàng thì sẽ thiệt nhiều hơn. Bài toán cân bằng quyền lợi và lợi ích ở đây chính là sự hài hòa để phát triển bền vững. Bởi sự thiên lệch về bất cứ bên nào cũng sẽ không ổn.

Post a Comment

Previous Post Next Post