7 THAY ĐỔI TRÊN ANDROID Q GIÚP CHIẾC ĐIỆN THOẠI CỦA BẠN HOẠT ĐỘNG TỐT HƠN

Đúng theo lịch trình, bản Android Q Developer Preview đầu tiên đã xuất hiện. Và cũng giống như các bản phát hành gần đây, phiên bản này chưa có nhiều tính năng hướng tới người dùng nhưng chắc chắn, chúng sẽ xuất hiện tại Google I/O và ngày ra mắt của Pixel 4 vào tháng Chín sắp tới.



Dù vậy, những thay đổi trên Android Q ở hiện tại vẫn có rất nhiều cải tiến cùng các sự bổ sung thú vị, nhằm giúp chiếc điện thoại của bạn hoạt động tốt hơn khi Google chính thức công bố hệ điều hành này vào cuối mùa hè năm nay.
Google đã thử nghiệm giao diện gập mới của mình với chiếc điện thoại Galaxy Fold siêu đắt đỏ của Samsung, và giờ đây, họ lại tạo ra các hành động mới cho ứng dụng, bao gồm tạm dừng, tiếp tục và thay đổi kích thước khi mở màn hình. Các lập trình viên đã có thể sử dụng chúng để đảm bảo ứng dụng của mình hiển thị đúng với những tỉ lệ màn hình gập mới.
Nhưng trong Android Q, Google không chỉ hướng đến những chiếc smartphone gập mà còn là các tính năng thông minh, giúp nhiều chiếc điện thoại Android trở nên tốt hơn. Đây là 7 thay đổi tích cực có trong Android Q do PCWorld liệt kê:
Dữ liệu của bạn sẽ được bảo mật hơn
Một trong những lợi thế lớn nhất của những người dùng iPhone so với Android đó chính là lời cam kết về quyền riêng tư của Apple. Từ ứng dụng cho đến dữ liệu, Apple khóa iOS để các nhà phát tiển không thể truy cập vào các thông tin nhạy cảm, bảo vệ người dùng hơn rất nhiều so với những gì Google yêu cầu trên Android Pie. Và giờ, Google đã phải thay đổi trên Android Q. Một trong số những thay đổi mà Google mang đến bản cập nhật này chính là khả năng lựa chọn giới hạn quyền truy cập vị trí cho mỗi ứng dụng. Người dùng cũng có thể kiểm soát quyền truy cập hình ảnh, video hay nhạc của các ứng dụng. Cuối cùng, Google cũng giới hạn quyền truy cập của nhà phát triển đối với "các thông tin về thiết bị không thể thiết lập lại" như IMEI hay số serial.
Bạn sẽ có thể tập trung vào những gì mình làm trên smartphone hơn

Nếu bạn từng bị phân tâm vì có một ứng dụng khác "chiếm" toàn bộ màn hình chỉ vì muốn thông báo cho bạn cái gì đó thì điều này sẽ được thay đổi trên Android Q. Google đã mở quyền truy cập vào các thông báo cần ưu tiên cao. Nghĩa là, các thông báo như báo thức hay có cuộc gọi sẽ chỉ hiển thị ở một banner phía trên cùng của màn hình để bạn có thể quyết định có nên tắt nó đi hay không để giải quyết những gì đang làm.
Mục chia sẻ nay đã nhanh và dễ dàng hơn
Dù Android đã nhanh và đáng tin cậy hơn trong nhiều năm qua, nhưng một điều mà Android khá chậm chạp đó chính là mục chia sẻ. Google đã khắc phục điều này trên Android Q. Giờ đây, khi bạn nhấn vào biểu tượng chia sẻ, "giao diện chia sẻ sẽ được tải ngay lấp tức", loại bỏ sự chậm trễ khó chịu mà chúng ta đã và đang gặp phải. Đó là do API Sharing Shortcuts mới, được phát triển dựa trên App Shortcuts trên Android 9.
Thiết lập nằm trong tầm tay

Google cũng thực hiện một thay đổi lớn về cách quản lý các thiết lập. API Settings Panel mới cho phép các lập trình viên phát triển một hệ thống cài đặt nhanh chóng ngay trong ứng dụng của họ mà bạn không cần phải chuyển sang ứng dụng khác hay thậm chí là vuốt thanh thông báo xuống để điều chỉnh thứ gì đó. Google giải thích thêm rằng, "trình duyệt có thể hiển thị một panel chứa các thiết lập kết nối như Wi-Fi, Dữ liệu di động hay Chế độ máy bay" mà không cần phải thoát ra khỏi ứng dụng.
Các cuộc gọi thông qua Wi-Fi và khả năng chơi game sẽ tốt hơn
Wi-Fi 6 vẫn đang được triển khai và chúng ta đã thấy những chiếc điện thoại sử dụng con chip mới, nhưng Android Q sẽ giúp Wi-Fi của bạn nhanh hơn và thông minh hơn ngay cả khi bạn không thể tận dụng chuẩn mới này. Một tính năng mới sẽ cho phép các chế độ Wi-Fi cụ thể cđể những nhà phát triển có thể kích hoạt chế độ hiệu năng cao và độ trễ thấp để đảm bảo độ ổn định trong quá trình chơi game cùng những cuộc gọi video. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, sẽ không còn sự chậm trễ khó chịu khi stream game thông qua Wi-Fi hay thực hiện các cuộc gọi.
Bạn có thể làm được nhiều trò hơn với những bức ảnh chân dung


Chế độ chân dung đang là một tiêu chuẩn trên các chiếc điện thoại Android, vì thế, Google đã tìm ra cách để cải thiện nó. Trong Android Q, Google khai thác các dữ liệu độ sâu bằng cách cho phép những ứng dụng yêu cầu một hình ảnh Dynamic Depth, được tạo thành từ "metadata JPEG, XMP có liên quan đến các yếu tố độ sâu; thông tin và bản độ sâu sẽ được nhúng vào cùng một file trên các thiết bị hỗ trợ". Vì thế, các ứng dụng camera và photo có thể làm được nhiều thứ hơn với chế độ chân dung, bao gồm tùy chỉnh độ mờ và bokeh, tạo hình ảnh 3D hay thậm chí là những ứng dụng AR.
Các ứng dụng sẽ chạy nhanh hơn
Mỗi bản phát hành Android đều chứa những thay đổi về mã, làm cho hệ thống trở nên gọn gàng hơn và Android Q cũng không ngoại lệ. Google thực hiện cải thiện runtime ART nhằm giúp các ứng dụng khởi động nhanh hơn và giảm đi lượng bộ nhớ tiêu thụ. Các lập trình viên cũng không phải thay đổi ứng dụng của họ. Kể từ Android Q, Google Play sẽ bắt đầu phân phối các profile ẩn danh dựa trên đám mây, cho phép các bộ phận của ứng dụng được biên dịch trước khi bắt đầu chạy. Đây là "một bước khởi đầu quan trọng cho quá trình tối ưu hóa tổng thế".
Vậy cuối cùng Android Q sẽ được gọi như thế nào?

Chắc chắn, chúng ta sẽ biết thêm nhiều hơn về Android Q trong sự kiện Google I/O diễn ra vào tháng 5 tới và nó sẽ được tích hợp thêm nhiều tính năng hơn khi Google ra mắt Pixel 4 vào tháng 10. Nhưng một câu hỏi đặt ra là: Android Q sẽ có tên chính thức là gì? Câu hỏi này phải đợi Google trả lời trong thời gian sắp đến.

Post a Comment

Previous Post Next Post