CÓ NHỮNG LOẠI MÁY ÉP TRÁI CÂY NÀO? SO SÁNH CÁC LOẠI MÁY ÉP TRÁI CÂY

So sánh các loại máy ép trái cây và phân biệt máy ép chậm với máy ép trái cây thông thường xem máy ép chậm khác gì máy ép thông thường cho thấy mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm riêng.

Có 3 loại máy ép trái cây chính, gồm máy ép trái cây ly tâm, máy ép chậm và máy ép trục kép, mỗi loại có một mức giá khác nhau và thực hiện ép nước theo cách khác nhau.
Phân biệt các loại máy ép trái cây
Máy ép trái cây ly tâm (centrifugal juicer)
Máy ép trái cây ly tâm là dòng máy ép phổ thông có mặt trên thị trường từ rất lâu. Máy sử dụng một mâm xay dạng tròn với nhiều lưỡi dao sắc nhỏ để mài nhỏ trái cây, khi mâm xay xoay với tốc độ cao thì sẽ tách nước ra khỏi phần bã trái cây nhờ lực ly tâm, phần lưới lọc của mâm xay sẽ giữ lại phần bã và đẩy ra ngăn chứa bã, còn phần nước được tách ra sẽ theo một đường khác xuống bình chứa.


Video mô tả cách lắp ráp và sử dụng một máy ép trái cây ly tâm
Máy ép ly tâm sử dụng tốt nhất với các loại trái cây và rau quả cứng, dày, chẳng hạn như táo và cà rốt, bí đỏ. Nói chung máy ép trái cây ly tâm không thật hiệu quả khi dùng để ép các loại rau, còn với trái cây mềm và nhiều nước thì máy ép không kiệt nước. Trường hợp máy ép chưa kiệt nước, bạn có thể lấy phần bã và đưa trở lại vào máy để tách thêm chút nước, như được hướng dẫn trong video trên.
Do cần lực ly tâm thật mạnh để tách nước nên máy ép trái cây ly tâm có tốc độ rất cao, có thể lên đến 2400 vòng/phút, vì thế còn được gọi là máy ép nhanh. Đặc trưng của máy ép ly tâm là tiếng ồn, máy kêu khá to, những dòng máy giá rẻ còn bị rung giật khi ép trái cây cứng. Do sử dụng tốc độ cao nên máy sẽ sinh nhiệt, về mặt lý thuyết, nhiệt này gây ra sự mất chất dinh dưỡng trong nước ép, do đó cũng tạo ra nhiều bọt hơn và làm cho hương vị kém tươi hơn so với các loại nước ép được làm bằng máy ép chậm. Nước ép làm từ máy ép trái cây ly tâm cũng bị tách nước nhanh hơn nhiều so với máy ép trái cây chậm.
Máy cũng dễ lắp ráp và vệ sinh, giá thường khá rẻ, những model ít tiền nhất chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng, những model cao cấp thường có giá trong khoảng 2-3 triệu đồng.
Máy ép chậm (masticating juicer)
Máy ép trái cây tốc độ chậm mới ra đời trong vài năm gần đây và ngày càng có nhiều mẫu mã đa dạng. Máy sử dụng một trục nghiền có dạng xoáy ốc giống như mũi khoan nhưng xoáy to rộng hơn, khi trục này xoay sẽ nghiền (masticate) các loại trái cây và rau, ép cho nước tách khỏi bã và cũng sử dụng một lưới lọc để giữ lại phần bã và đẩy nước đi qua lưới, sau đó đưa bã và nước thoát ra hai đường riêng.
Do có tốc độ quay chậm hơn nhiều so với máy ép trái cây ly tâm, chỉ khoảng 30 - 90 vòng/phút, nên máy được gọi là máy ép chậm, do có một trục ép nên cũng được gọi là máy ép trục đơn.
Máy ép ly tâm thường không ép được rau và hiệu quả hạn chế với các loại quả mọng nước nhưng máy ép chậm thì ép được các loại rau, củ, quả, hạt và có thể chế biến một số thực phẩm khác, ép quả mọng rất tốt. Chất lượng nước ép cao: nước ép đặc, tươi, có rất ít bọt trong đó, và có thể giữ khá lâu không bị tách nước. Do máy ép các nguyên liệu rất chậm nên không sinh nhiệt để phá hủy các enzyme và chất chống oxy hóa trong nước ép.
Tuy gọi là máy ép chậm để so sánh tốc độ vòng quay với máy ép ly tâm, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ phải chờ đợi lâu để có một ly nước ép. Thời gian ép chỉ lâu hơn máy ly tâm khoảng gấp 1,5 đến 2 lần cho cùng một khối lượng trái cây.





                                                               Máy ép chậm trục đứng
Máy ép trái cây tốc độ chậm có 2 loại, trục ngang và trục đứng, trong đó phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là dòng trục đứng. Máy trục ngang có tốc độ chậm hơn trục đứng một chút, ép rau và đồ cứng tốt hơn máy trục đứng, nhưng ống tiếp nguyên liệu thường nhỏ hơn nên sẽ mất công cắt nguyên liệu lâu hơn. Ngoài ra ở Việt Nam chủ yếu là máy trục đứng, ít thấy máy trục ngang.


Máy ép chậm trục ngang
Máy ép chậm hiện nay có rất nhiều thương hiệu ở các phân khúc khác nhau, những dòng giá rẻ của Trung Quốc thậm chí có giá chỉ khoảng 600.000-700.000 đồng, một vài model giá khoảng 1,5 triệu đồng. Phân khúc tầm trung có các model từ 2-5 triệu đồng, còn dòng cao cấp thì từ 8 triệu đồng cho đến hơn 10 triệu đồng.
3. Máy ép trục kép (twin gear juicer, triturating juicer)
Dòng máy ép trục kép hiện chưa phổ biến ở việt nam nhưng có nhiều trên thế giới, thường dành riêng cho những người chuyên nghiệp về nước ép và hay ép rau xanh vì đây là dòng cho lượng nước ép, đặc biệt là rau xanh tốt nhất và giữ được dinh dưỡng cao nhất (để được tối đa 72h giữ lạnh).
Máy có hai trục vít được lắp ráp rất gần nhau và tiếp xúc với nhau bằng các bánh răng ăn khớp với nhau. Khi trái cây được đưa vào máy, hai trục này sẽ chuyển động xoay các bánh răng và nghiền nát nguyên liệu thành những hạt rất nhỏ và tách lấy nước ép, để lại phần bã rất khô. Máy đặc biệt hiệu quả trong việc ép nước từ cả rau xanh và các nguyên liệu cứng như cà rốt, bí đỏ. Tuy nhiên, máy trục kép không phải là ứng cử viên tốt nhất cho các loại trái cây mềm và mọng nước.
Với máy ép trục kép, quá trình ép có tốc độ cao hơn một chút xíu so với máy ép trục đơn (tức máy ép chậm được đề cập ở phần trên), nên đây cũng xem như là một loại của dòng máy ép chậm. Máy cũng thường được gọi là máy ép lạnh do chỉ sử dụng lực nghiền để ép, không gia nhiệt trên thực phẩm, giúp nước ép rất ổn định và đậm đặc dinh dưỡng, và có thể tồn tại trong một thời gian dài mà không bị biến chất.


Video về một máy ép trục kép để bạn hiểu cấu tạo và cách sử dụng của loại máy này
Tương tự như máy ép trái cây một trục, máy ép trục kép có thể đi kèm với một số phụ kiện để thực hiện các chức năng khác, như làm mì, nghiền bột từ các loại hạt và cắt rau.
Hầu hết các máy ép trái cây trục kép có kích thước lớn và nặng, giá cũng cao hơn rất nhiều, bạn khó có thể tìm được model nào giá dưới 10 triệu đồng, cũng hầu như chưa có bán tại các siêu thị điện máy ở Việt Nam.

Post a Comment

Previous Post Next Post