KÍ SINH TRÊN “ÔNG LỚN” NHÌN TỪ YEAH1

Thông tin Yeah1 bị YouTube chấm dứt thỏa thuận lữu trữ nội dung từ cuối tháng 2/2019 đến nay thực sự là một bài học điển hình và đáng giá cho những cá nhân, tổ chức đang kí sinh trên nền tảng YouTube nói riêng và các "ông lớn" nói chung để kinh doanh, kiếm tiền.
Không chuẩn là… chết
Nguyên nhân Yeah1 bị YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung từ đầu tháng 4/2019 được phía Google phát ngôn là do Yeah1 lặp đi lặp lại các vi phạm nghiêm trọng.
Còn về phía Yeah1, chưa hề có bất cứ văn bản hay thông báo nào từ doanh nghiệp này phát đi cho thấy tự nhìn nhận trách nhiệm do chính mình vi phạm. Thay vào đó, Yeah1 dẫn lại từ YouTube cho rằng: Do SpringMe (Thái Lan), một công ty mà Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93% cổ phần, có hoạt động quản lí tuyển chọn kênh chưa phù hợp với qui trình của YouTube, dẫn đến việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới hoạt động YouTube AdSense trực thuộc Yeah1 là Yeah1 Network Pte Ltd, ScaleLab LLC.

Tất nhiên, sự thật chẳng phải bao giờ cũng giống như những cách giải thích vốn bao giờ cũng được dùng những ngôn từ nhằm bao bọc cho nó nhẹ đi. Và sự thật cũng chẳng phải cứ trông chờ vào những gì Yeah1 công bố, rằng mảng YouTube AdSense mà họ quản lí kênh bên thứ ba chỉ mang tới khoảng 1 triệu USD lợi nhuận trong năm 2018, sẽ không ảnh hưởng nhiều tới doanh thu và lợi nhuận của toàn tập đoàn.
Nhưng các tổ chức chuyên ngành thì nhìn khác. Cụ thể, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC - doanh nghiệp tư vấn cho Yeah1 niêm yết) đã điều chỉnh dự báo rằng, nếu trong kịch bản xấu nhất Yeah1 không khôi phục được hợp tác lưu trữ nội dung trên YouTube thì năm 2019 dự kiến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Yeah1 sẽ giảm tới 83,3% và tổng doanh thu sẽ giảm 64%. Rõ ràng, với dự báo của một tổ chức chuyên ngành như HSC, vấn đề Yeah1 bị YouTube "cắt cầu" nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những gì Yeah1 muốn làm nhẹ đi.
Chính vì thế mà giá cổ phiếu YEG của Yeah1 mới trượt dốc không phanh liên tiếp 13 phiên "lau sàn" khiến giá trị vốn hóa của Yeah1 mất đi tới 61%. Tới phiên thứ 14 ngày 21/3, ngay từ đầu phiên giá của YEG đã "lau sàn". Tuy nhiên với nỗ lực bơm tiền ra để mua vào cổ phiếu quĩ của HĐQT Yeah1 và các đối tác là cá nhân và tổ chức, giá YEG đã quay đầu tăng trần. Kết cục, trong 6 phút "điên rồ" từ thời điểm 10 giờ 11 phút ngày 21/3, biên độ tăng giá của YEG lên tới 14,8%.
Nhưng có chuẩn cũng… chết
Thảm họa giá cổ phiếu YEG rõ ràng là hậu quả của đòn trừng phạt từ YouTube do các công ty con và liên quan của Yeah1 thiếu chuẩn mực trong việc tuyển chọn kênh, thậm chí có dư luận còn cho rằng Yeah1 Network còn dung túng cho các kênh YouTube "bẩn" và nhí nhố với việc bật tính năng kiếm tiền.v.v…
Song ngay trong thời điểm cuộc khủng hoảng của Yeah1 vẫn đang trầm trọng, một sự cố khác đã xảy ra đối với Facebook và các ứng dụng Instagram, WhatsApp. Từ đêm ngày 13/3 nhiều người dùng Facebook không thể truy cập dịch vụ. Trong đó, những người thiệt hại đầu tiên chính là những người mua dịch vụ quảng cáo, bán hàng qua Facebook… Những cá nhân và hộ bán hàng này trên Facebook không có lỗi. Thế nhưng, câu hỏi liệu họ có được Facebook đoái hoài hay bồi thường hay không, thì không được đề cập tới.
Facebook chỉ đề cập rằng họ sẽ xem xét lại toàn bộ sự cố xảy ra trong đó có cả khả năng bồi thường cho những đối tác quảng cáo, nhưng đó là những đối tác lớn ở những thị trường lớn như Mỹ. Chứ ở thị trường "bé bỏng" như Việt Nam, những người chạy Facebook Ad và bán hàng trên Facebook khó mà trông chờ được gì từ "ông lớn" này. 
Tới thời điểm ngày 22/3, Yeah1 vẫn chưa thể thoát khỏi khủng hoảng cho dù giá cổ phiếu YEG đã có hai phiên tăng trần trở lại. Thế nhưng bản chất của sự tăng không bình thường này là do sự can thiệp mua vào cổ phiếu quĩ của phía doanh nghiệp và các đối tác của họ chứ không phải hoàn toàn do thị trường quyết định - cụ thể là niềm tin của các nhà đầu tư chưa thực sự quay trở lại.
Bởi niềm tin của nhà đầu tư có trở lại hay không sẽ phụ thuộc rất lớn nếu không nói là hoàn toàn vào việc thỏa thuận với YouTube của Yeah1 có khôi phục được hay không.
Trước khi gặp khủng hoảng, Yeah1 là công ty có mã cổ phiếu giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và được kì vọng sẽ trở thành một "kì lân công nghệ" thứ hai của Việt Nam sau VNG. Chính vì thế, cuộc khủng hoảng của Yeah1 được chú ý và trở thành điển hình do mức độ ảnh hưởng nặng nề của nó tới giá cổ phiếu YEG.
Trên thực tế, những năm qua có không ít các trang Facebook của cá nhân, tổ chức, các trang fanpage và trang YouTube vi phạm những qui định của các "ông lớn" này và đã bị "trảm" thẳng tay khiến đối tượng sở hữu nó coi như mất trắng.
Kí sinh cũng có nghĩa là cộng sinh, song kẻ đi kí sinh luôn là đối tượng phụ thuộc và nắm đằng lưỡi cho dù được kì vọng hay đang ăn nên làm ra đến thế nào đi nữa, thì vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro không nhỏ khi kí sinh trên nền tảng của "ông lớn".

Post a Comment

Previous Post Next Post