TV OLED là một mặt hàng cao cấp mà người tiêu dùng chưa thể sở hữu dễ dàng. Chúng đắt, ít mẫu mã và ít nhà cung cấp, nhiều lý do dẫn đến việc bị kẹt ở phân khúc đắt tiền và không thể trở thành đại chúng. Tuy nhiên, LG vẫn luôn tin rằng tương lai OLED sẽ trở nên phổ biến hơn.
Kể từ 2012, LG Electronics đã luôn nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của TV OLED. Tuy nhiên sau hơn 5 năm cố gắng, họ vẫn chưa thể đưa OLED xuống phân khúc bình dân. Trong khi ở phân khúc cao cấp, mặc dù OLED đã có vị thế vững chắc nhưng LCD vẫn chiếm phần nhiều hơn nhờ mức giá cạnh tranh, đặc biệt với kích cỡ màn hình trên 70 inch.
Tuy nhiên, LG Display, nhánh sản xuất màn hình của LG và là công ty độc tôn ở thị trường tấm nền TV OLED, tin tưởng rằng ngày càng nhiều công ty sẽ tham gia cùng họ. Và chỉ vài năm nữa, OLED có thể tiếp cận dễ dàng hơn với tất cả mọi người. Tại buổi họp báo ở trung tâm R&D Magok của công ty, nằm ở phía tây Seoul ngày 27/2, Giám đốc công nghệ (CTO) của LG Display, Kang In-byoung phát biểu: "Với kỷ nguyên 8K, công nghệ OLED với khả năng kiểm soát tất cả 33 triệu điểm ảnh của màn hình, sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn các loại khác". Một TV 8K sẽ có điểm ảnh nhiều hơn 4 lần so với 4K, hình ảnh sắc nét hơn và và mịn hơn.
Nguyên mẫu TV 8K của LG
Theo LGD, màn hình OLED tự cung cấp độ sáng cho từng điểm ảnh, do vậy có thể tạo ra màu đen sâu. Còn loại cần có đèn nền chiếu sáng thì không thể làm tương tự. Han Sang-beom, phó chủ tịch của LG Display thẳng thừng chê bai sản phẩm đối thủ, ám chỉ những chiếc TV được tiếp thị với tên "QLED" bản chất chỉ là TV LCD. Ông Han nói với báo giới rằng cần phải phân biệt rạch ròi với khách hàng về hai loại "QLED" và "OLED" trên thị trường hiện nay, vốn không phải ai cũng hiểu về kỹ thuật. "Một TV QLED thực sự phải sử dụng các chấm lượng tử tự phát sáng thay vì dựa vào đèn nền phía sau màn hình LCD" - Phó Chủ tịch LG nói. Ông thừa nhận số liệu báo cáo cho thấy TV QLED bán chạy hơn OLED trong năm 2018, tuy nhiên, LG nhấn mạnh vào số tiền thu về của OLED cao hơn cho thấy hiệu quả bán hàng tốt hơn.
"Về mặt học thuật, cách làm của Samsung được gọi là 'QD-LCD',..." - ông Kang In-byung cho biết. Giám đốc công nghệ nhấn mạnh rằng QD-LCD khác hoàn toàn với OLED. Ông cũng nhấn mạnh vào lợi thế của công nghệ OLED trong kỷ nguyên 8K. Khi tăng độ phân giải, màn hình OLED tự kiểm soát ánh sáng từng điểm ảnh nên có lợi thế hơn LCD. Màn hình LCD thường phải thu nhỏ điểm ảnh để đạt độ phân giải cao hơn, khiến lượng ánh sáng "hứng" được từ đèn nền bị giảm và độ sáng màn hình cũng giảm theo. Để khắc phục, nhà sản xuất sẽ cố tăng kích thước màn hình để có đủ không gian cho lượng điểm ảnh nhiều hơn - hoặc bơm thêm điện áp vào đèn nền chiếu sáng, nhưng cách này có thể vi phạm quy chuẩn về tiêu thụ năng lượng nên không được khuyến khích.
Một lí do nữa được LGD viện dẫn để chứng minh ưu thế của OLED là khả năng uốn dẻo, nhẹ và mỏng hơn LCD. Điều này dẫn đến những thiết kế độc đáo mà LCD không thể làm được như màn hình cuộn, màn hình gập. Công ty Hàn Quốc đã trưng bày TV cuộn tròn đầu tiên trên thế giới hồi đầu năm, khiến báo chí và giới công nghệ sửng sốt. TV của họ giống như một tác phẩm trang trí trong phòng khách hơn là một món đồ công nghệ. Nhiều người đã gọi đây là "tương lai của TV".
Ngoài LG Electronics, các công ty bên ngoài cũng nhìn nhận tiềm năng của OLED. Sony, Panasonic, Toshiba, Philips và nhiều hãng khác đều đặt mua tấm nền từ LG Display để sản xuất TV OLED. Tại Nhật, thị phần của TV OLED chiếm đến 82% phân khúc cao cấp, chủ yếu nhờ Sony và Panasonic, theo LG Display. Công ty đã cam kết hợp tác với đài NHK và các hãng địa phương để thúc đẩy công nghệ OLED phổ biến hơn với người dân Nhật. Đặc biệt là phát triển TV OLED 8K để đón Olympic Tokyo 2020.
Ngay cả gã khổng lồ công nghệ Samsung, hiện đang tập trung vào TV LCD được cải thiện bằng một tấm tinh thể bán dẫn nano (chấm lượng tử), dự kiến cũng sẽ tham gia xu hướng OLED. Hiện tại họ đang là nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới nhưng vẫn kiên quyết từ chối ra mắt TV OLED sử dụng tấm nền của LG. Thay vào đó, công ty được cho là đang cân nhắc tự sản xuất tấm nền với công nghệ khác. Tháng Tư tới họ có thể tổ chức hội nghị để họp bàn triển khai hoặc hủy bỏ kế hoạch này.
Sau khi ra mắt TV OLED vào năm 2012, gã khổng lồ công nghệ đã ngừng sản xuất TV OLED do sản lượng thấp và giá cao. Tuy nhiên Samsung Display, gần đây đã đặt ra kế hoạch sản xuất các nguyên mẫu màn hình OLED kết hợp tấm film chấm lượng tử tại nhà máy sản xuất ở Asan, tỉnh Chungcheong Nam, theo các nguồn tin. Sau một loạt các thử nghiệm vào thời gian tới, công ty có thể tiếp tục sản xuất TV dựa trên OLED vào năm 2021, nếu họ thực sự thông qua kế hoạch.
Trong khi đó, LGD đang nỗ lực mở rộng sản xuất nhờ một cơ sở tại Quảng Đông, Trung Quốc. Họ sẽ nâng tổng sản lượng hàng tháng lên 130.000 đơn vị. Trong khi cơ sở ở Paju đặt mục tiêu bán được 4 triệu tấm nền TV trong năm 2019, tăng so với 2,9 triệu năm ngoái. Khách hàng chủ yếu là LG Electronics, Sony và Panasonic.