KHỈ ĐẦU CHÓ: KHỈ ĐẦU ĐÀN STRESS NHẤT NHƯNG HỒI PHỤC NHANH HƠN, KHỈ CẤP THẤP CHỊU STRESS DÀI HẠN

Stress kéo dài có tốt cho sức khỏe hay không? Nhiều nghiên cứu ở người lẫn động vật cho thấy câu trả lời là không, vì stress mãn tính sẽ ức chế hệ miễn dịch. Tuy nhiên, một nghiên cứu tổng hợp 30 năm dữ liệu trên khỉ đầu chó lại chỉ ra rằng, các khỉ đực đầu đàn có dấu hiệu stress gia tăng nhưng cũng khôi phục nhanh hơn khi bị bệnh và chấn thương, so với lính khỉ cấp thấp thường bị stress dài hạn và phục hồi chậm hơn.

Những kết quả này có thể giúp khoa học lý giải được vì sao một số người có thể thoát khỏi những hậu quả tiêu cực của stress, còn số khác thì không thể.

Dưới đây là chi tiết về nghiên cứu này từ Science Mag, phiên bản trực tuyến của tạp chí Science thuộc Hiệp hội tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS), một trong những tạp chí học thuật hàng đầu thế giới với gần 150 năm lịch sử.

Hầu hết nghiên cứu ở người đã cho thấy có sự tương quan rõ ràng giữa địa vị cao hơn về kinh tế-xã hội và rủi ro chết hay bệnh tật thấp hơn do các bệnh liên quan đến stress như đau tim, tiểu đường. Một trong số những nghiên cứu nổi tiếng nhất trong đó là nghiên cứu Whitehall của Dịch vụ dân sự Anh quốc. Whitehall cho rằng, tỉ lệ bệnh và chết gia tăng theo thứ bậc của nhân viên trên thang đo trách nhiệm và tiền lương của dịch vụ gồm 6 bậc. Nghiên cứu này và nhiều công trình khác cũng phát hiện ra là, những người ở dưới đáy xã hội bị stress nhiều hơn do khối lượng công việc, áp lực thời gian và sự bất ổn công việc ngày càng tăng.
Trong khi đó, theo các nghiên cứu ở động vật, đặc biệt là các loài linh trưởng, quan hệ giữa stress và địa vị phụ thuộc chủ yếu vào tổ chức xã hội của loài khỉ được nghiên cứu. Ví dụ, ở các loài khỉ có cấp bậc và thứ bậc xã hội chặt chẽ, khi các khỉ đực được gọi là Alpha chuyên thống trị các khỉ đực và cái khác trong thời gian dài, có thể thấy rõ là khỉ có địa vị cao sẽ căng thẳng hơn.
Dẫn chứng cụ thể một nghiên cứu trên khỉ đầu chó, mức độ cortisol (một loại hormone là dấu hiệu của stress) và testosterone trong phân ở các khỉ đực Alpha là cao nhất. Đây là bằng chứng cho thấy khỉ đực Alpha chịu căng thẳng nhiều hơn các con cấp thấp trong đàn.
Trong công trình này, để làm rõ mối quan hệ giữa thứ bậc xã hội, căng thẳng và sức khỏe, nhóm tác giả đã phân tích dữ liệu khỉ đầu chó tại khu vực Amboseli thuộc Kenya-một nơi có dân số khỉ đầu chó hoang dã khá đông-trong gần 30 năm từ 1982 đến 2009.
Ghi nhận 633 trường hợp bị bệnh/ bị thương hoặc cả hai ở 166 khỉ đầu chó đực cho thấy tỉ lệ bệnh sẽ cao hơn ở những khỉ đực già nhất và ở cấp thấp nhất. Tỉ lệ bệnh ở khỉ đực Alpha cấp cao nhất lại thấp hơn, trái với kỳ vọng tình trạng stress cao hơn ở khỉ đực Alpha sẽ ức chế hệ miễn dịch của chúng. Và tỉ lệ bị thương cao nhất là khỉ đực cấp trung ở tuổi trung niên.
Để đánh giá hệ quả của mức độ stress cao đến hệ miễn dịch, nhóm nghiên cứu xem xét thêm tỉ lệ phục hồi ở 144 khỉ. Trong số này, khỉ đực cấp thấp thường cần khoảng 31 ngày để phục hồi, trong khi khỉ đực cấp cao chỉ cần 25 ngày.
Dù cấp bậc và tuổi tác có tương quan với nhau, như khỉ già hơn ít có khả năng ở vị trí cao trong đàn, sau khi điều chỉnh tác động của tuổi tác trong mô hình, nhóm nghiên cứu vẫn thấy rằng cấp bậc là yếu tố quan trọng nhất giúp dự báo thời gian chữa lành vết thương. Ngoài ra, tốc độ phục hồi vết thương cũng có liên quan đến quy mô nhóm xã hội của khỉ đầu chó: khỉ đực ở các đàn lớn hơn phục hồi nhanh hơn khỉ đực ở các đàn nhỏ hơn.
Nhóm nghiên cứu đánh giá đây là những kết quả khá bất ngờ, vì các nghiên cứu trước đây trên động vật thí nghiệm và linh trưởng nuôi nhốt đã cho thấy giữa mức độ stress (đo chủ yếu bằng mức độ tập trung các hormone stress trong phân) và sự ức chế miễn dịch có mối quan hệ rõ ràng.
Lý giải điều này, nhóm nghiên cứu cho rằng, các loài linh trưởng như khỉ đầu chó và người có được "sự linh hoạt tiến hóa" trong cách phản hồi với stress nên không phải lúc nào cũng dẫn tới sự đè nén hệ miễn dịch. Do đó, mức độ stress cao ở khỉ đực Alpha có thể là stress do tiêu hao năng lượng cần thiết để duy trì cạnh tranh và vị trí đầu đàn, trong khi khỉ đực cấp thấp bị stress bởi các yếu tố xã hội như việc chúng là mục tiêu gây chiến của các khỉ đực Alpha.

(Ảnh: Shutterstock)
Stress ở khỉ đực Alpha là loại stress cấp tính ngắn hạn và tỉ lệ hormone stress cao là do nhiều lần stress, khác với tình trạng stress mãn tính dài hạn như những người đứng dưới đáy xã hội, nhà sinh lý tiến hóa ở Đức Michaela Hau bổ sung thêm.
Và tất cả khỉ đực loại Alpha lẫn loại cấp thấp đều chịu tác động tốt từ hỗ trợ xã hội khi ở trong những đàn khỉ lớn hơn. Theo lời một thành viên trong nhóm tác giả là nhà sinh lý học hành vi Elizabeth Archie thuộc đại học Notre Dame (Indiana, Mỹ), "các khỉ đực Alpha dù bị stress cao hơn nhưng có thể thoát khỏi những hệ quả tiêu cực của stress. Chúng ta cũng có thể thấy những khuôn mẫu tương tự ở con người. Những người có địa vị kinh tế xã hội cao thường trải qua nhiều tình huống căng thẳng nhưng cũng có cơ hội tiếp cận nguồn lực và cơ chế vượt qua stress tốt hơn". Ngược lại "khỉ đầu chó ở cấp thấp và những người có địa vị kinh tế xã hội thấp thường gặp những yếu tố stress dài hạn và rất ít cơ hội thoát ra".
Những nghiên cứu trước đây cũng cho thấy sự liên kết giữa hormone stress cấp tính và tỉ lệ tự chữa lành cao hơn, đặc biệt là sự chữa lành ở da, theo Michael. Và "Phản ứng trước hormone stress cấp tính có thể gia tăng miễn dịch thích ứng và chữa lành vết thương, còn sự gia tăng stress kéo dài và chầm chậm lại có khả năng phá hủy hệ miễn dịch", lời một chuyên gia nội tiết thần kinh đại học Rockefeller ở thành phố New York, Mỹ.
Tuy nhiên, Archie và nhóm tác giả cũng thấy rằng, cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định chính xác mối quan hệ giữa cấp bậc và sức khỏe, để xem những động vật khỏe mạnh sẽ có cấp bậc cao hơn hay các động vật cấp bậc cao hơn sẽ có sức khỏe tốt hơn.
Michaela đánh giá nghiên cứu mới "có giá trị rất lớn" vì được thực hiện trên một số lượng lớn khỉ đầu chó hoang dã thay vì khỉ nuôi nhốt. Khỉ nuôi nhốt thì khác với khỉ hoang, thường chịu nhiều loại stress khác nhau do việc bị nuôi nhốt, cô lập xã hội, khác biệt chất lượng thức ăn.
Nghiên cứu này là công trình hợp tác của các nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học ở Mỹ và Kenya, trong đó có Jeanne Altmann thuộc đại học Princeton, một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về sinh thái hành vi ở linh trưởng hiện đại và sinh thái hành vi ở khỉ đầu chó. Kết quả được đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences tháng 7/2011.
Jeanne Altmann, một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về sinh thái hành vi ở linh trưởng hiện đại (Ảnh: Alchetron)

Post a Comment

Previous Post Next Post