Là những người giữ cho không gian mạng "sạch sẽ" trước các nội dung độc hại, kiểm duyệt viên là một công việc nhàm chán và đầy áp lực.
Tính đến cuối năm ngoái, gần 400 triệu người ở Trung Quốc đã thực hiện phát sóng trực tiếp (livestream). Chủ yếu về các hoạt động thường ngày của họ, vô hại với cộng đồng như chiếu quang cảnh ở Paris cho bạn bè, người thân ở quê nhà xem. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những loại nội dung độc hại phát sinh, ví dụ một cô nàng mặc đồ bơi hai mảnh đang nhảy trước ống kính.
Một kiểm duyệt viên nội dung, là người sẽ chặn đứng các loại nội dung xấu đó, quyết định xem khi nào thì cô gái mặc bikini đó có thể quay tiếp, và khi nào cần phải can thiệp màn livestream này. Zhi Heng là một người như vậy, anh làm ở Inke, một trong những công ty sở hữu nền tảng live-streaming lớn nhất Trung Quốc với 25 triệu người dùng.
Ngành công nghiệp livestream ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, bên cạnh những người phát sóng trực tiếp đơn thuần, cũng có những streamer chuyên nghiệp khác. Họ phát sóng hình ảnh của mình để kiếm tiền, và hình thành nên một ngành công nghiệp tỷ đô. Thông qua các lần lên sóng như vậy, họ có thể bán hàng, hoặc pha trò cho khán giả hòng đổi lấy những vật phẩm ảo như phần thưởng ủng hộ. Khối lượng dữ liệu sinh ra từ đó khổng lồ đến nỗi, cần phải có cả kiểm duyệt viên lẫn công nghệ trí tuệ nhân tạo để kiểm soát, tránh loại hình độc hại lan tràn.
Họ chỉ có vài giây ngắn ngủi để đưa ra quyết định: "Bộ đồ bikini đó có phải loại độc hại hay không?" Nếu vi phạm những quy tắc của nhà nước, họ phải chấm dứt livestream ngay. Zhi Heng cho biết: "Bạn phải thực sự tập trung vào công việc của mình. Không được để lọt bất cứ thứ gì chống lại lại luật pháp, những giá trị chung hay giá trị công ty".
Ở Trung Quốc, có những streamer chuyên nghiệp pha trò cho khán giả hòng đổi lấy những vật phẩm ảo như phần thưởng ủng hộ
Inke áp dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm nhận dạng để hỗ trợ đội kiểm duyệt. AI sẽ thực hiện công việc gắn nhãn, xếp hạng và xếp loại nội dung thuộc mức rủi ro nào. Dựa trên hệ thống phân hạng này, kiểm duyệt có thể đánh giá xem nội dung đó có nên tồn tại hay không. Ví dụ các video ít độc hại gồm cả cảnh nấu ăn trong bếp, có thể giám sát một lúc nhiều cái như vậy. Nhưng loại có mức độ nguy hiểm cao bị gắn cờ, cần cân nhắc cẩn thận hơn.
Quay lại câu hỏi về cô gái mặc bikini khi phát sóng trực tiếp. Đối với thuật toán, bikini đơn giản là bộ đồ bơi hai mảnh. Nhưng trong mắt con người thì không. Một bộ đồ bơi xuất hiện bên cạnh lũ trẻ đang chơi trong bể bơi, chẳng có vấn đề gì! Nhưng nếu cô gái mặc nó ở trong một căn phòng ngủ, với nhạc nền du dương và bầu không khí lãng mạn, có điều gì đó không ổn ở đây…
Inke sở hữu ứng dụng livestream lớn nhất Trung Quốc, phải ngăn chặn các nội dung độc hại như hút thuốc, ăn mặc phản cảm,...
Một loại nội dung độc hại bị kiểm duyệt gắt gao nhất, chính là hút thuốc. Chính quyền cho rằng nó cổ súy cho lối sống thiếu lành mạnh, do vậy nó không được phép xuất hiện trong khung hình. Một người xăm trổ đầy mình cũng vậy, bị cấm. Các nội dung chính trị nhạy cảm cũng bị cấm. Bất cứ video nào có lời nói không hay về nhà cầm quyền, bàn về những chủ đề cấm kỵ liên quan chính trị... đều không qua được vòng kiểm duyệt. Bắc Kinh gọi đó là bảo vệ "chủ quyền không gian mạng".
Trên thế giới, chính quyền các nước cũng đang cố phân định xem cái gì được lan truyền và cái gì không. Một số ý kiến cho rằng mạng xã hội và các nền tảng Internet có thể bị lợi dụng để tuyên truyền, kích động bạo lực, hay các hoạt động bài xích đi ngược lại giá trị nhân loại. Điển hình như vụ khủng bố xả súng ở New Zealand. Facebook sau đó thừa nhận rằng họ không thể kiểm soát nổi. Video livestream bị gỡ xuống, nhưng sau đó lại có video khác được truyền đi trong cộng đồng.
Kiểm duyệt viên là một nghề nhàm chán, áp lực, nhưng lương lại thấp
Do vậy, đội ngũ của Inke làm việc rất áp lực. Kiểm duyệt viên chiếm đến 60% tổng nhân viên của công ty, và họ sẽ phải chọn xem nên giữ hay loại bỏ nội dung này, chuyện gì dược phép và không được phép. Cục Nghệ thuật biểu diễn Trung Quốc thường xuyên đưa ra các cập nhật về loại nào có thể xem là phản cảm. Bên cạnh dựa vào bản hướng dẫn này, công ty cũng phải hỏi ý kiến các chuyên gia, cân nhắc khi một đối tượng tiến đến sát lằn ranh pháp lý.
Theo Zhi Heng, những loại độc hại nhất bao gồm phát ngôn nhạy cảm về chính trị, hành động gợi dục, bạo lực, khủng bố, tự hủy hoại bản thân. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vi phạm, kiểm duyệt viên có thể đưa ra cảnh báo, khóa tài khoản thậm chí đưa vào danh sách đen, cấm vĩnh viễn. Khi đám đông cư dân tụ tập phản đối kế hoạch của chính quyền địa phương xây dựng một nhà máy đốt rác. Inke đã xác định địa điểm một cách chính xác, sau đó chặn mọi luồng phát sóng quanh bán kính 10 cây số.
Zhi Heng, quản lý đội kiểm duyệt nội dung ở Inke
Mặc dù kiểm duyệt viên là một nghề luôn có nhu cầu cao. Nó lại gây phiền não và không được trả lương cao. Do phải "tiêu thụ" mỗi ngày hàng giờ các màn độc thoại tẻ nhạt, những trò đùa không vui hay khả năng ca hát dở tệ. Trong đội ngũ của Zhi Heng, chỉ có 200 trong tổng số 1.200 là nhân viên toàn thời gian, còn lại làm việc theo hợp đồng. Lương chỉ là 3.000 tệ mỗi tháng, hoặc 3 USD một giờ, ít hơn nhiều so với lương tối thiểu ở New York, 15 USD mỗi giờ.
Rất nhiều người thậm chí phải bỏ việc khi chưa hoàn thành đợt huấn luyện khởi động cho các nhân viên mới, kéo dài một đến hai tháng. Số đông khác thì bỏ trong sáu tháng tiếp theo. Một số người ứng tuyển cứ ngỡ họ sẽ làm ngon ơ do đã quen thức đêm "cày game", khoảng từ 0 đến 8 giờ sáng. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra sự khác biệt.
Ngành công nghiệp livestream bùng nổ khiến Trung Quốc phải vất vả tìm cách kiểm soát các nội dung đọc hại
"Chỉ có một phần nhỏ là hay, còn lại các nội dung đều dưới cả mức xoàng xĩnh", Zhi Heng nói. "Khi mà bạn xem chúng quá lâu, có lẽ bạn sẽ phải hỏi ngược lại mình xem ý nghĩa cuộc đời này là gì". Vậy công việc này có ý nghĩa gì? Theo Zhi, họ giống như lực lượng lao công trên mạng. Thay vì dọn dẹp rác trên vỉa hè, nơi công cộng, họ "dọn sạch" không gian mạng khỏi những thứ dơ bẩn.