“ÔNG LỚN” BÁN LẺ VÀ NGÃ RẼ… “NUÔI” LỢI NHUẬN

Thế Giới Di Động từ bán lẻ hàng công nghệ nhảy qua mảng bách hóa. FPT Shop với lối rẽ sang bán lẻ dược phẩm dự kiến mảng này sẽ trở thành chủ lực trong tương lai. Trong khi đó, hai nhà bán lẻ vàng bạc, đá quí và trang sức là PNJ và Doji thì mở thêm ngành hàng bán lẻ đồng hồ…

"Phai màu" hay "càn quét"?
Cuối cùng, câu hỏi đặt ra Thế Giới Di Động từ việc bước sang lĩnh vực bách hóa giờ mở thêm gian hàng bán đồng hồ là "phai màu" hay "càn quét" cũng chỉ là một cách nói, một cách đặt vấn đề. Bởi, đối với sự sống còn của một doanh nghiệp, hay con đường tìm kiếm lợi nhuận để làm giàu, sự "phai màu" nhiều khi không có ý nghĩa mấy, và nó cũng không phải nằm ở ngành hàng bán lẻ hay chủng loại hàng hóa, mà đúng hơn là ở cách bán hàng, cung cách phục vụ.

Thế Giới Di Động có hai chuỗi hàng đầu là Thegioididong.com đứng đầu lĩnh vực bán lẻ điện thoại, cùng với Dienmayxanh.com đứng đầu ngành hàng bán lẻ điện máy. Vài năm trở lại đây, Thế Giới Di Động đã bước sang bán lẻ hàng tiêu dùng và thực phẩm tươi sống với chuỗi Bách Hóa Xanh.
Qui mô thị trường bách hóa lên đến 60 tỉ USD/năm tại Việt Nam, quá xứng đáng để nhảy vào tìm kiếm "miếng bánh" béo bở. Thị trường dược phẩm có giá trị lên đến 4,5 tỉ USD/năm không kém cạnh thị trường điện thoại điện máy, chẳng có lí do gì để không nhảy vào. Song với thị trường đồng hồ đeo tay khoảng 750 triệu USD/năm tại Việt Nam, Thế Giới Di Động cũng không muốn bỏ sót...
Sau Thế Giới Di Động, nhà bán lẻ điện thoại số 2 Việt Nam là FPT Shop cũng đã nhảy vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm thông qua việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu để phát triển lên. Trước đó, Thế Giới Di Động đã mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành An Khang. Dự định sẽ mua tiếp gần như toàn bộ chuỗi này nhưng sau đó, Thế Giới Di Động nhận thấy không thể căng sức trên nhiều mặt trận cùng lúc nên chuyển hướng tạm ngừng khuếch trương đẩy mạnh chuỗi An Khang để tập trung vào chuỗi Bách Hóa Xanh.
Tính tới thời điểm này, chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Shop được biết đến nhiều hơn chuỗi An Khang dù cũng mới chỉ có khoảng 20 cửa hàng tập trung chủ yếu tại TP.HCM.
Những lĩnh vực cả hai nhà bán lẻ hàng công nghệ hàng đầu từ đánh hơi đến quyết định rẽ lối sang, tại thời điểm đó trên thị trường đều chưa có những "ông lớn" chiếm từ 20% thị phần trở lên. Với ngành bán lẻ đồng hồ, chuỗi lớn nhất có lẻ là PNJ với khoảng 20 cửa hàng.
Lối rẽ là đường phát triển
Ngành bán lẻ điện thoại và điện máy đang dần bão hòa. Thế Giới Di Động hiện đang chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ nhóm sản phẩm điện thoại và 35% thị phần nhóm sản phẩm điện máy sau khi sáp nhập Trần Anh. Chuỗi lớn thứ hai về bán lẻ điện thoại FPT Shop chiếm gần 20% thị phần. Tuy nhiên, khi thị trường chung chỉ còn tăng trưởng rất ít hoặc đứng yên, việc giành thị phần của các đối thủ tới một mức nào đó cũng không còn dễ dàng, lối rẽ sang các mảng khác chính là con đường tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.
Vấn đề các "ông lớn" đang tính không chỉ là bài toán doanh thu và lợi nhuận cho năm nay hay năm sau mà tính cho tương lai ít nhất từ 3-5 năm nguồn doanh thu và lợi nhuận chủ lực sẽ đến từ đâu, sự ổn định và bền vững của nguồn đó.v.v… Nếu chỉ dựa vào ngành kinh doanh cốt lõi truyền thống, nguồn thu sẽ khó có tăng trưởng cao và bền vững.
Thế Giới Di Động hiện vẫn đang sống dựa vào nguồn lợi nhuận từ hai trụ cột là Thegioididong.com và Dienmayxanh.com. Theo tính toán, đến năm 2020, chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ bắt đầu có lãi. Trong khi đó, FPT Shop cho biết, chuỗi nhà thuốc Long Châu hiện vẫn đang lỗ 20 tỉ đồng/năm. Đến năm 2020, chuỗi này sẽ đạt điểm hòa vốn và đạt 6.500 tỉ đồng doanh thu, trở thành nguồn thu chủ lực chiếm đến 30% của toàn hệ thống và bắt đầu đóng góp lợi nhuận vào hầu bao chung của công ty.
Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch của Thế Giới Di Động – từng có lần chia sẻ: "Bản chất của Thế Giới Di động là nhà bán lẻ. Từ bán lẻ điện thoại bước sang điện máy và những ngành hàng khác, với công thức thành công và kinh nghiệm đã có, chúng tôi hoàn toàn có thể tìm thấy công thức thành công tiếp theo".
Và cũng theo ông Tài, hai cách để gia tăng doanh thu là bán những ngành hàng chưa bao giờ bán và tiếp cận lớp khách hàng chưa bao giờ tiếp cận. Chính vì thế, đồng hồ chính là ngành hàng bán lẻ mới mà Thế Giới Di Động đang thử nghiệm. Nhưng để tránh rủi ro, Thế Giới Di Động không tách riêng gian hàng bán đồng hồ thành chuỗi như Bách Hóa Xanh hay An Khang, mà để "kí sinh" trong chuỗi Thế Giới Di Động/Điện máy Xanh vừa tận dụng được tập khách hàng của hai chuỗi này.
Một điều quang trọng nữa là, các ngành hàng cốt lõi của cả Thế Giới Di Động và FPT Shop đều có biên lợi nhuận gộp bình quân thấp hơn so với những ngành hàng mới. Đơn cử ngành bán lẻ đồng hồ và phụ kiện, PNJ đã đạt biên lợi nhuận dao động từ trên 20% đến trên 70% trong các năm từ 2012-2018.
Bà Nguyễn Bạch Điệp – CEO của FPT Retail (vận hành chuỗi FPT Shop và FPT Studio) - cho biết, năm 2019 bằng cách nhập trực tiếp phụ kiện điện thoại từ nguồn sản xuất có thể giúp chuỗi này giảm giá bán nhưng lợi nhuận lại đạt cao hơn so với trước khoảng 10%. Theo đó, FPT Retail dù đưa ra mục tiêu doanh thu năm nay chỉ tăng 16% nhưng lợi nhuận vẫn đặt tăng trưởng 20%.

Post a Comment

Previous Post Next Post