Tính ưu việt, sự thoải mái và sáng tạo của Thung lũng Silicon đang trở nên yếu dần. Đó là lý do khiến nó đang ngày càng bị các start-up công nghệ xa lánh?
Thung lũng Silicon - thủ đô công nghệ của Mỹ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, chứng khoán và văn hóa toàn cầu. Phần đất nhỏ chạy từ San Jose đến San Francisco hiện là nơi đặt trụ sở của 3/5 công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Những người khổng lồ công nghệ như Apple, Facebook, Google, Netflix... đều tuyên bố Thung lũng Silicon là nơi khởi đầu và cũng là nhà của họ. Ngoài ra, tổng giá trị sản phẩm tạo ra của vùng đất này tương đương với một nền kinh tế đứng thứ 19 thế giới, xếp trên cả Thụy Sĩ hay Ả Rập Xê Út.
Đây không chỉ là một địa điểm đặt trụ sở của các công ty mà còn là nơi khai sinh ra những ý tưởng có ảnh hưởng lớn đến thế giới. Thung lũng Silicon là nơi khởi đầu của những phát minh khá kỳ quặc như: ấm trà kết nối internet hay ứng dụng bán tiền xu để mọi người sử dụng tiệm giặt là. Rất nhiều phát minh khác ở đây đã giúp công ty tạo ra nó đánh bại mọi đối thủ trên thế giới như chip vi xử lý, cơ sở dữ liệu, điện thoại thông minh...
Sự kết hợp của nhân lực trình độ cao, mạng lưới doanh nghiệp vững mạnh, nguồn vốn dồi dào, các trường đại học uy tín và văn hóa chấp nhận rủi ro đã khiến khu vực này là không thể nhân bản dù đã có nhiều nơi cố gắng làm điều này. Không có dấu hiệu nào cho thấy trên thế giới xuất hiện một nơi có đủ khả năng cạnh tranh với Thung lũng Silicon về sự ưu việt. Tuy vậy, có vẻ như nơi đây đang có dấu hiệu của việc đã đạt đến đỉnh cao nhất của mình và sẽ đi xuống. Minh chứng rõ nhất là các start up công nghệ dường như không còn mặn mà với Thung lũng Silicon. Vì sao vậy?
Thung lũng Silicon đã đạt đến đỉnh cao nhất?
Năm 2017, số người rời khỏi San Francisco nhiều hơn là dọn đến đây. Theo một cuộc khảo sát năm 2017, 46% số người được hỏi cho biết sẽ rời khỏi vùng này trong vài năm tới, tăng khá mạnh so với con số 34% của năm 2016. Rất nhiều công ty khởi nghiệp đã đặt trụ sở ở nơi khác và nổi lên một phong trào có tên ‘Off Silicon Valley'.
Ở một hướng khác, vào năm 2013, các nhà đầu tư ở thung lũng Silicon chỉ rót một nửa số tiền của mình vào các start up bên ngoài. Giờ đây tỷ lệ này là 2/3.
Những lý do cho sự thay đổi này rất đa dạng nhưng chủ yếu là đến từ chi phí sống thuộc hàng cao nhất thế giới của Thung lũng Silicon. Một nhà sáng lập cho rằng các công ty khởi nghiệp trẻ ở nơi đây phải trả chi phí cao gấp 4 lần so với các thành phố khác của Mỹ.
Hệ quả của việc này là cuộc sống ở Thung lũng Silicon ngày càng trở nên ngột ngạt: giao thông tắc nghẽn, chi phí đắt đỏ và bất bình đẳng giàu nghèo là cực lớn.
Theo kết quả nghiên cứu của Kauffman Foundation, vùng Fort Lauderdale của Miami đã vượt Thung lũng Silicon để là nơi đứng vị trí số 1 về kinh doanh thuận lợi cho các start up của Mỹ (dựa trên mật độ khởi nghiệp và các doanh nhân mới). Những người khởi nghiệp giờ thích đến New York để làm truyền thông, London để làm fintech (công nghệ tài chính) và Thâm Quyến để làm phần cứng hơn là đến Thung lũng Silicon.
Không có địa điểm nào có nhiều yếu tố tốt cho người khởi nghiệp như Thung lũng Silicon nhưng sự sáng tạo có ở khắp mọi nơi và những nhà đầu tư đang ngày càng chú ý đến nhiều địa điểm mới. Nhờ chính những vật dụng mà Thung lũng Silicon tạo ra, giờ đây người ta có thể làm việc ở khắp mọi nơi trên thế giới thông qua việc nhắn tin, gọi điện, video call miễn phí mà chẳng phải ngồi co cụm một chỗ nữa.
Cái bóng của người đi trước
Vấn đề lớn nhất với các công ty khởi nghiệp công nghệ hiện nay chính là việc những sáng tạo của họ khó thu hút vốn hơn rất nhiều so với Alphabet (công ty chủ quản của Google), Apple hay Facebook. Đặc biệt hơn, Google và Facebook trả lương nhân viên quá hào phóng khiến các start up khó mà thu hút được nhân tài (mức thu nhập trung bình của nhân viên Facebook là 240.000 USD/năm). Khi mà sự thành công của các công ty khởi nghiệp là không quá chắc chắn, với mức kinh phí là như nhau thì gần như nhà đầu tư sẽ chọn các đơn vị như Facebook hay Google để đổ tiền vào. Điều tương tự như vậy đang diễn ra ở Trung Quốc nơi mà Alibaba, Baidu và Tencent đang thu hút gần một nửa số vốn đầu tư mạo hiểm trong nước.
Vấn đề thứ hai cần nhắc tới chính là các chính sách của nước Mỹ đang ngày càng thắt chặt. Tổng thống Donald Trump với những hành động chống gia tăng người nhập cư của mình đang khiến các start up nước ngoài gặp khó. Cần phải biết rằng các doanh nhân nước ngoài tạo ra khoảng 25% số công ty mới ở Mỹ.
Cùng với đó, Thung lũng Silicon phát triển nhờ một phần không nhỏ vào chính sách ‘thoáng' của Mỹ. Tuy vậy, chi tiêu của Nhà nước dành cho các trường Đại học công lập của Mỹ đã giảm khá nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2008. Năm 2015, chi tiêu ngân sách của Mỹ dành cho hoạt động nghiên cứu ở mức 0,6% GDP chỉ bằng 1/3 so với năm 1964. Những chính sách này khiến Mỹ không còn là điểm đến quá thân thiện với start up công nghệ nữa.
Nếu sự suy giảm của Thung lũng Silicon báo hiệu sự gia tăng mạng lưới toàn cầu của các trung tâm công nghệ mới thì đó là điểm đáng mừng. Nhưng theo các chuyên gia thì đây lại là một sự cảnh báo rằng việc đổi mới ở khắp mọi nơi đang trở nên khó khăn hơn.
Tags:
Technology