Nhiều ý kiến của các lãnh đạo và chuyên gia cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội trở thành cường quốc về an ninh mạng. Tuy vậy, với tiềm lực của chúng ta hiện nay thì liệu điều này có khả thi?
Việt Nam đang ở trong một cuộc cách mạng số với sự xuất hiện của những công nghệ mang tính đột phá. Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia ngành công nghệ thông tin thì thời gian qua chúng ta mới chỉ đang tập trung triển khai công tác ứng dụng và phát triển. Do nguồn nhân lực có hạn nên công tác an toàn thông tin trên không gian mạng vẫn chưa được đầu tư một cách tương xứng. Quyết tâm của Việt Nam trong thời gian tới đây là sẽ mang lại không gian Internet an toàn hơn để giúp chúng ta trở thành cường quốc an ninh mạng của thế giới.
Phát biểu tại phiên khai mạc Ngày hội An ninh mạng Việt Nam 2019 (Vietnam Security Summit 2019), Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: ‘Cùng một vạch xuất phát nhưng chúng ta lại có nguồn nhân lực An ninh mạng vào loại tốt trên thế giới. Khát vọng dân tộc hùng cường, tài nguyên vô tận trong não người Việt Nam sẽ được khai thác và đưa chúng ta trở thành cường quốc An ninh mạng, bảo vệ Việt Nam, bảo vệ hòa bình thế giới'.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam có cơ hội để trở thành cường quốc về An ninh mạng
Quy mô thị trường An ninh mạng toàn cầu khoảng 124 tỷ USD. Nếu đưa Việt Nam trở thành cường quốc về An ninh mạng thì chúng ta có thể chiếm tới 5% thị phần của thế giới (hơn 6 tỷ USD) trong vòng 3 – 5 năm tới. Điều này cũng có nghĩa, an ninh mạng sẽ là một trong những ngành hiếm hoi mà Việt Nam trở thành những người đứng đầu. Tuy vậy, điều này liệu có khả thi?
Muốn đưa ngành An ninh mạng lên vị trí hàng đầu thế giới, chúng ta cần phải có được 2 yếu tố đó là chất lượng nguồn nhân sự và phải làm chủ được các sản phẩm, giải pháp trong lĩnh vực này. Ông Ngô Tuấn Anh – Phó chủ tịch Tập đoàn BKAV cho biết: ‘Trong những năm qua, nguồn nhân lực Việt Nam đã ghi dấu ấn trong nhiều sự kiện về an ninh mạng trên thế giới. Chất lượng nhân sự trong ngành An ninh mạng của chúng ta là rất tốt nhưng số lượng thì chưa đảm bảo yêu cầu. Cùng với đó, với 20 năm kinh nghiệm trong nghề, tôi cho rằng chúng ta đã làm chủ được các sản phẩm, giải pháp về an ninh mạng'.
Minh chứng cho điều này, ông Ngô Tuấn Anh cho biết thêm, nếu như 10 năm trước có nhiều hãng phần mềm an ninh mạng tham gia vào thị trường Việt Nam với các sản phẩm phần mềm diệt virus, thì hiện nay, thị trường phần mềm diệt virus đã thay đổi cục diện, trở thành sân chơi của doanh nghiệp trong nước và chỉ còn duy nhất một thương hiệu nước ngoài tồn tại với thị phần khiêm tốn.
Đại diện các cơ quan, doanh nghiệp tại lễ ra mắt liên minh "Xử lý mã độc và phóng chống tấn công mạng"
Để thực hiện được khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về An ninh mạng, Bộ Thông tin – Truyền thông đang được giao nhiệm vụ soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Cùng với đó, tại Ngày hội An ninh mạng Việt Nam 2019, lần đầu tiên Việt Nam công bố một bản đánh giá về đảm bảo an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước năm 2018. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, việc này sẽ được thực hiện hàng năm để tiến tới sẽ đánh giá an toàn thông tin cho các doanh nghiệp, tổ chức khác trong xã hội.
Cũng tại Ngày hội An ninh mạng Việt Nam 2019, Lễ ra mắt Liên minh "Xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng" giữa Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin việt Nam và các doanh nghiệp Viettel, VNPT, BKAV, FPT, CMC đã được thực hiện. Điều này sẽ tạo tiền đề cho việc tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin phục vụ đảm bảo an toàn thông tin Quốc gia và cộng đồng người dùng Internet Việt Nam.