Đây là lý do tại sao Xiaomi luôn gặp khó về nguồn cung hàng khi đẻ nhiều sản phẩm mới còn Vivo lại luôn có hàng rất ổn định

Được biết đến là một thương hiệu “đẻ” khá nhiều smartphone chỉ trong vài tháng nhưng cũng là hãng hay gặp tình trạng khan hàng đối với một số model có sức hút lớn, Xiaomi đang cho thấy những bất cập trong khâu sản xuất.

Trong vài tuần đầu khi mới phát hành Mi 9, đã có rất nhiều khách hàng Trung Quốc phàn nàn về việc Xiaomi thiếu nguồn cung. Có khi người dùng phải chờ hàng tuần để có thể mua được một chiếc máy Xiaomi trong đợt flash sale. Trong khi đó, Vivo luôn giữ được lượng hàng ổn định.


Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Phải chăng năng lực sản xuất của Xiaomi không bằng Vivo hoặc các hãng khác?
Thực tế, điều này không khó hiểu khi Xiaomi không phải là hãng thiết kế và tự sản xuất. Hãng thường thuê một nhà sản xuất gốc (ODM). Hầu hết các công ty khác như Huawei, Samsung, Oppo cũng dựa vào các công ty ODM để thiết kế và sản xuất các mẫu smartphone mới.
ODM thường là bên quản lý thiết kế tổng thể và thông số kỹ thuật của một sản phẩm sao cho phù hợp với yêu cầu của các khách hàng. Nhờ có các ODM nên các hãng smartphone như Xiaomi, Oppo, Huawei không còn phải lo vấn đề mở nhà máy sản xuất, tự mua linh kiện gia công,…qua đó giúp tiết kiệm chi phí và rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm.
Theo dữ liệu thống kê mới nhất tiết lộ, Xiaomi đang phụ thuộc tới 75% nguồn cung từ ba đối tác ODM gồm Wingtech, Longcheer và Huaqin. Đây là ba trong số nhiều công ty ODM có tiếng trên thị trường nhờ kinh nghiệm sản xuất smartphone lâu năm và thời gian xuất xưởng nhanh.

Việc thuê ngoài có nhiều cái lợi, đó là việc Xiaomi không tốn chi phí nhân công, nhà xưởng và có thể tối ưu hóa dây chuyền. Qua đó hãng có thể thuê ODM sản xuất hàng loạt các model thuộc phân khúc khác nhau và nối tiếp như vậy.
Với một dây chuyền quy mô lớn như vậy nên không ngạc nhiên khi Xiaomi có thể tung ra liên tục các model smartphone mới trên thị trường chỉ sau vài tháng. Nhưng hầu hết các mẫu smartphone ra mắt liền kề nhau thường có thiết kế na ná và không có sự đột phá do hãng muốn tận dụng dây chuyền sản xuất cũ cho nhiều dòng sản phẩm của mình.
Tuy nhiên dù các ODM có giỏi đến mấy thì họ cũng rất khó đảm bảo nguồn cung cho một hãng. Đơn giản bởi mỗi ODM phải sản xuất cho rất nhiều khách hàng và việc không kịp sản xuất là điều có thể xảy ra nếu bên đối tác đặt hàng với số lượng lớn, vượt ngoài năng lực sản xuất của các ODM này.
Đó có thể là lý do tại sao Xiaomi thường phải vật lộn với tình trạng khan hàng trong thời điểm đầu bán ra một sản phẩm.
Dữ liệu của IDC cho thấy Xiaomi gặp khó về lượng xuất xưởng smartphone trong Q1/2019 so với cùng kỳ năm trước do thiếu nguồn cung

Cũng trong bảng thống kê trên có thể thấy, Lenovo thậm chí còn có tỷ lệ thuê ODM cao hơn tới 85% với 4 đối tác sản xuất. Các thương hiệu khác như Samsung, LG, Nokia, Oppo cũng đang cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào ODM.
Đơn cử như 40% nguồn cung hiện nay của Nokia đến từ các đối tác như Wingtech, Huaqin, Longcheer. Hay như LG có tỷ lệ nguồn cung từ ODM đã tăng từ 30%  lên 50%. Ngược lại các thương hiệu như Huawei, Meizu đang giảm dần sự phụ thuộc vào ODM.
Trong số các thương hiệu, sự chú ý nhất có lẽ phải kể đến Vivo. Kể từ khi ra mắt tới nay, model iQOO của Vivo chưa bao giờ gặp hiện tượng khan hàng. Đơn giản bởi Vivo không thuê gia công mà tự sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tất nhiên chi phí ban đầu để xây dựng nhà xưởng có thể sẽ khá cao nhưng nó lại phục vụ rất hiệu quả trong giai đoạn nước rút trước khi tung sản phẩm ra thị trường.
Hơn hết nhờ tự thân vận động nên Vivo cũng dễ tự chủ được nguồn cung linh kiện, tạo được nhiều quan hệ đối tác có lợi. Nhờ đó, nhiều mẫu smartphone của hãng luôn có được nguồn linh kiện chất lượng cao với giá thành cạnh tranh.
Dù có lợi đến đâu nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào ODM sẽ chỉ khiến các công ty như Xiaomi hay Lenovo luôn trong trạng thái bị động.
Tham khảo Gizmochina

Post a Comment

Previous Post Next Post