Toilet nằm ngay dưới gầm giường tầng, các nhóm người chen chúc chia nhau không gian trong những phòng trọ không cửa sổ dưới lòng đất, đó là những hình ảnh lột tả cuộc sống của “bộ lạc kiến” – những lao động nhập cư đang chật vật trụ lại các thành phố lớn ở Trung Quốc.
Điều kiện sống chật chội ngột ngạt đó là hệ quả của tình trạng người người đổ về các thành phố lớn để mưu sinh, lập nghiệp. Nhiều người trong số họ là công nhân nhập cư đang cố gắng trụ lại các thành phố đáng sống nhất của đất nước tỷ dân.
Quy định giới hạn trong việc đăng ký hộ khẩu thường trú đồng nghĩa với việc nhiều người không thể trở thành cư dân hợp pháp của thành phố, hoặc phải tham gia vào các dịch vụ công cộng và nhà ở dành cho người thu nhập thấp.
Lối xuống tầng hầm, thế giới của những người nhập cư vào các thành phố lớn.
Cuộc sống chật chội không thể tưởng tượng nổi của những người lao động nhập cư được gọi là "bộ lạc kiến" ở Trung Quốc.
Chỉ riêng ở Bắc Kinh, ước tính khoảng 100.000 người nhập cư phải sinh sống trong những căn nhà tồi tàn không cửa sổ, ở nơi khác có những người phải sống trên xe buýt, thùng container và những nơi chật chội đầy rẫy nguy hiểm.
Những người này được gọi là "người chuột" và "bộ lạc kiến" của Trung Quốc. "Người chuột" chỉ những người lao động sinh sống tại các khu trọ cho thuê dưới lòng đất, trong khi "người kiến" chỉ những sinh viên mới tốt nghiệp thiếu việc làm sống trong các khu nhà chật chội. Cụm từ "bộ lạc kiến" được tạo ra bởi Lian Si, một nghiên cứu sinh sau tiến sỹ Đại học Bắc Kinh dựa trên điểm chung giữa 2 nhóm là chăm chỉ, cần mẫn và sống chen chúc.
Cùng xem những bức ảnh lột tả cuộc sống không mấy khác biệt giữa những người nhập cư "cổ trắng" (lao động trí óc) và "cổ xanh" (lao động chân tay) – những người đang bị đẩy ra khỏi "cái lõi" của thành phố để sống chen chúc trong những khu nhà trọ lụp xụp ngoài rìa thành phố, những căn hộ kín mít không ánh nắng mặt trời dưới lòng đất.
Người đàn ông chờ đợi để sử dụng phòng tắm chung tại một khu nhà dưới tầng hầm ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh.
Trong khu bếp chung của một chung cư ở phía tây Bắc Kinh, chủ nhà đăng thông báo thu tiền thuê: "Bắt đầu từ tháng 8, hạn nộp tiền thuê nhà là ngày đầu tháng. Người mới thuê được miễn".
Nữ nhân viên đưa thư tắm gội trong nhà vệ sinh ngay dưới giường tầng trong phòng trọ.
Hai nhân viên của một công ty vật liệu xây dựng thuê chung một phòng trọ ở thành phố Vũ Hán. Nhà tắm với vòi hoa sen và bệ xí ngồi xổm nằm ngay dưới chân chiếc thang dẫn lên chiếc giường tầng trên.
Võ sư Yan dạy và luyện võ trong một khu tầng hầm với 130 phòng trọ.
Các phụ huynh nấu ăn tại khu bếp chung của một tòa nhà cho thuê ở Hợp Phì, tỉnh An Huy.
Cụ ông Leung Shu, 78 tuổi, sống chung phòng với 4 người khác trong một căn hộ được ngăn cách như lồng chim ở Hong Kong.
Xiao Cao, nghệ sỹ đường phố, cùng vợ chung sống trong căn hộ rộng 8m2 phía sau một nhà vệ sinh công cộng ở Thượng Hải.
Các công nhân xây dựng sống chen chúc trên một chiếc xe buýt ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Người quản lý công trình của họ đã mua chiếc xe buýt bỏ đi để làm nơi ở cho công nhân của mình với giá 26.000 nhân dân tệ (khoảng 90 triệu đồng).
Một cụm các căn hộ từ thùng container ở ngoại ô Thượng Hải. Chủ trọ tính phí 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) mỗi tháng cho mỗi container.
Hai mẹ con sống trong một căn hộ container ở ngoại ô Thượng Hải.
Dai Yusheng và vợ làm công nhân vệ sinh ở quận Hồng Khẩu, Thượng Hải. Ông kiếm được 14 nhân dân tệ (khoảng 48.000 đồng) mỗi giờ và sống trong một căn hộ không cửa sổ dưới lòng đất.
Nam sinh viên mới tốt nghiệp tập kickboxing trong phòng trọ ở Bắc Kinh, sống cùng anh trong căn phòng chật hẹp là 3 người khác.
Kiểu phòng trọ điển hình dành cho "bộ lạc kiến" – những sinh viên đại học mới ra trường chật vật tìm việc làm.
Một bộ phim truyền hình và hai cuốn tiểu thuyết khắc họa hoàn cảnh của thế hệ "bộ lạc kiến". Điều kiện sống tồi tàn của người lao động nghèo tại các đô thị ở Trung Quốc trở thành chủ đề được dư luận quan tâm.
Công ty truyền thông hàng đầu Trung Quốc Sohu phát vở kịch gồm 33 phần có tên "Cuộc đấu tranh của bộ lạc kiến".
Tags:
Technology