Ngay cả ông Nhậm Chính Phi không dám khẳng định chắc chắn HongMeng OS sẽ nhanh hơn Android khi Huawei chưa từng thực hiện so sánh nào như vậy.
Trong thời gian gần đây, hàng loạt báo cáo trên truyền thông cho thấy sự tự tin của hãng công nghệ Trung Quốc Huawei, khi lặp đi lặp lại tuyên bố rằng, hệ điều hành HongMeng OS sắp ra mắt trên smartphone của họ sẽ chạy nhanh hơn 60% so với Android và iOS. Minh chứng rõ ràng nhất là tuyên bố của CEO Huawei, ông Nhậm Chính Phi khi trả lời phỏng vấn của tờ Le Point, Pháp.
Tất cả mọi thứ đều có vẻ đúng, ngoại trừ việc ông Nhậm chưa từng nói như vậy – và thậm chí ông còn không chắc chắn về điều này.
Liệu HongMeng OS có nhanh hơn Android?
Trên thực tế, khi trả lời câu hỏi của tờ Le Point về việc liệu HongMeng OS có nhanh hơn Android và iOS hay không, ông Nhậm đã nói rằng, Huawei "vẫn chưa làm một phép so sánh như vậy", và bổ sung thêm "nhưng có lẽ là vậy."
Cách nói "có lẽ là vậy" dường như không phải lối nói đầy tự tin như thường thấy trước đây của ông Nhậm, nhất là khi nó dùng để nói về một ưu điểm nổi bật trong hệ điều hành của mình.
Quan trọng hơn, ông Nhậm còn nhấn mạnh rằng, "HongMeng không được thiết kế cho điện thoại như mọi người nghĩ. Chúng tôi không phát triển hệ điều hành để thay thế Google – và nếu Google rút hệ điều hành của họ ra khỏi Huawei, chúng tôi sẽ cần bắt đầu xây dựng một hệ sinh thái bởi vì chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng nào."
Ông Nhậm cũng thừa nhận rằng Huawei sẽ mất nhiều năm để xây dựng được một hệ sinh thái – và vì vậy, công ty hy vọng rằng họ không cần đến kế hoạch B cho smartphone. Ít nhất không phải lúc này.
Câu trả lời của ông Nhậm cho thấy, HongMeng không chỉ được thiết kế cho smartphone mà họ còn chưa từng tiến hành so sánh tốc độ với các hệ điều hành như Android và iOS, vậy chi tiết "nhanh hơn 60%" xuất hiện từ đâu?
Nguồn gốc của nó có lẽ xuất phát từ một tuyên bố của ông Richard Yu – CEO mảng kinh doanh thiết bị tiêu dùng của Huawei – sau khi công ty này bị Mỹ đưa vào danh sách đen của Bộ Thương Mại Mỹ. Thời điểm đó ông Yu cho biết, Huawei đã tự mình phát triển một hệ điều hành từ năm 2012, có khả năng "tương thích với mọi ứng dụng Android và ứng dụng web", và "nếu những ứng dụng Android được biên dịch lại, hiệu năng vận hành của nó sẽ được cải thiện thêm 60%."
Biên dịch lại hàng trăm nghìn ứng dụng của Android là một vấn đề không đơn giản, chưa kể đến việc nó có hoạt động ổn định hay không mỗi khi nhà phát triển cập nhật phiên bản mới.
Hơn nữa ngay vào thời điểm đó, bản thân ông Yu cũng nói với trang The Information rằng: "Tôi không thể tin được chính phủ Mỹ sẽ giới hạn Android – nó là một sản phẩm tiêu dùng và không có mối liên hệ nào tới các vấn đề an ninh quốc gia." Ông còn bổ sung thêm rằng, đó là "một bất ngờ lớn" và cho thấy đây sẽ là "một thời gian thực sự khó khăn" đối với doanh nghiệp này.
Rõ ràng lúc này, Huawei đang cần tạo nên một luồng thông tin tích cực hơn. Có lẽ đó là lý do vì sao chi tiết "nhanh hơn 60%" lại được sử dụng nhiều đến vậy, dù bản thân Huawei chưa từng đo đạc nó
Vậy tác dụng thật sự của HongMeng OS là gì?
Một tuyên bố khác được đưa ra sau cuộc phỏng vấn của Le Point với ông Nhậm là độ trễ của HongMeng OS chỉ chưa đến 5 mili giây – nhưng vẫn cần phải kiểm chứng lại con số này. CEO của Huawei giải thích rằng hệ điều hành này được thiết kế để chạy trên các thiết bị mạng, chứ không phải smartphone, và độ trễ thấp là điều cần thiết cho các xử lý của thiết bị IoT – đặc biệt khi sử dụng cho các ứng dụng công nghiệp và xe tự lái.
Theo ông Nhậm, nó được thiết kế dành cho một thế giới "nơi mọi thứ đều được kết nối và thông minh." Điều này cũng phù hợp với lời bình luận của ông Yu trong tháng Năm vừa qua, khi cho biết hệ điều hành mới này (lúc đó nó vẫn chưa được đặt tên) sẽ hoạt động trên "điện thoại, máy tính, tablet, TV, ô tô và các thiết bị đeo thông minh."
Trong khi HongMeng OS vẫn chưa lộ diện, các thông tin về hiệu năng cũng như tính năng thực sự của hệ điều hành này đang trở nên hỗn loạn. Tuy nhiên có một thực tế chắc chắn, hệ sinh thái của họ đang yếu kém xa so với Android hay iOS.
Điều này không chỉ được chính ông Nhậm thừa nhận mà còn thông qua các báo cáo cho thấy, nhiều nhà phát triển ứng dụng đã nhận được thư của Huawei, mời tham gia cộng đồng "560 nghìn nhà phát triển của chúng tôi" để đưa ứng dụng của họ lên cửa hàng ứng dụng AppGallery của Huawei.