Sau lệnh cấm vừa qua, cả người tiêu dùng, các công ty cung ứng Mỹ lẫn các chuỗi bán lẻ toàn cầu đều đã được "dạy" cho một bài học quan trọng về Huawei.
Thoạt nhìn, Huawei đã có thể thở phào. Sau cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định cho phép các công ty Mỹ được quyền bán thiết bị cho Huawei. Điều này có nghĩa rằng con đường mở rộng ra toàn cầu cho Huawei sẽ mở rộng hơn rất nhiều, khả năng phát triển và bán các thế hệ smartphone tiếp theo đã không còn bị cắt đứt như trước đây.
Nhưng mọi thứ không thể từ xám thành hồng nhanh như vậy. Thực tế, tương lai của Huawei mới bớt xám hơn một chút mà thôi.
Điều gì tiếp theo?
Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đầy những bước đi bất ngờ từ cả hai phía. |
Lý do đơn giản là bởi, chưa ai biết trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Trong hơn 2 năm qua, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đã nhiều lần hạ nhiệt rồi lại "nóng trở lại". Ví dụ, vào tháng 5 năm ngoái, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ từng đưa ra tuyên bố "Chúng tôi (nước Mỹ) sẽ tạm dừng chiến tranh thương mại". Chỉ vài ngày sau, Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 20% lên các sản phẩm công nghệ cao từ Trung Quốc.
Huawei là một trong những công ty chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất từ cuộc chiến thương mại này. Lệnh cấm các công ty Mỹ phải cắt đứt mối quan hệ với Huawei vừa qua chính là đòn đánh mạnh tay nhất, rõ rệt nhất dành cho công ty công nghệ số 1 Trung Quốc. Một khi Google đã "nghỉ chơi" với Huawei, những chiếc smartphone Huawei chạy Android sẽ trở nên cực kỳ tồi tệ. Một khi ARM đã ngừng mọi liên hệ với Huawei, khả năng phát triển một con chip Kirin ngang tầm với Snapdragon hay Exynos cũng sẽ khép cửa.
May mắn cho Huawei, lệnh cấm này được ông Trump gỡ bỏ một phần. Trong trả lời phỏng vấn, ông nói "Tôi nói OK, chúng tôi sẽ tiếp tục bán [cho Huawei] các sản phẩm đó - những sản phẩm được các công ty Mỹ làm ra. Đó đều là những sản phẩm phức tạp."
Huawei thậm chí đã từng mang hy vọng được đặt chân đến Mỹ. |
Nhưng ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Có ai nhớ rằng, cuối năm 2017 (tức là khi ông Trump đã tại nhiệm 1 năm), Huawei vẫn còn mang hy vọng được đặt chân vào nước Mỹ thông qua thương vụ hợp tác với AT&T. Thế rồi, ngay tại sự kiện CES – một trong những sự kiện công nghệ hàng đầu nước Mỹ, CEO Richard Yu nhận tin AT&T đã hủy bỏ hợp tác trước sức ép của chính quyền Mỹ.
Ông Trump có thể đang dành những lời lẽ mềm mỏng cho Trung Quốc và Huawei. Nhưng tháng 12 năm ngoái, CFO Mạnh Vãn Châu (con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi) bị bắt chỉ vài ngày sau khi phía Mỹ tuyên bố sẽ tạm hoãn kế hoạch trừng phạt thương mại. Hiện tại, bà Mạnh vẫn chưa được thả tự do, và Huawei dù được mua từ các công ty Mỹ nhưng vẫn nằm trong danh sách đen thương mại của nước này.
Người tiêu dùng và các công ty Mỹ
Một lần nữa, không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Không ai biết liệu cú sốc của tháng 5 có lặp lại. Liệu một người dùng bình thường có chấp nhận rủi ro, rằng smartphone của họ có thể bị dừng cập nhật trong khi smartphone Samsung hay thậm chí là OPPO cùng năm vẫn được "lên đời"? Liệu một chuỗi bán lẻ tại Ấn Độ hay Tây Ban Nha có nên nhập kho Huawei để thấp thỏm lo lắng? Liệu nhà cung ứng Mỹ có nên đặt quá nhiều hy vọng vào Huawei, hay là họ sẽ tìm cách tăng cường làm ăn với các công ty khác, ít rủi ro chiến tranh thương mại hơn?
Ai sẵn sàng mua một chiếc smartphone có thể bị ngừng hỗ trợ Google bất cứ lúc nào? |
Câu trả lời trong mọi tình huống đều là quá rõ ràng. Không cần "cấm tiệt" Huawei, ông Trump đã cho thấy một lệnh cấm vài tuần lễ cũng có thể khiến mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ đến thế nào với cả Huawei lẫn các bên liên quan. Google, Qualcomm, Intel, Microsoft… là của Mỹ, ARM hay Tokyo Research rồi cũng phải nghe lời Mỹ để nghỉ chơi với bất kỳ công ty nào bị Mỹ cho vào danh sách đen. Và chỉ như vậy thôi đã là quá đủ để người tiêu dùng, để các công ty Mỹ và các chuỗi bán lẻ trên toàn cầu từ học ra bài học cho riêng mình: cần cẩn thận khi tiếp tục làm ăn cùng Huawei.