Sau Năm 2020, Kỳ Thi Thpt Quốc Gia Sẽ Được Tổ Chức Như Thế Nào?

Sau năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia có thể sẽ không bắt buộc thí sinh học hết lớp 12 phải tham gia và hình thức thi trên máy tính nhiều khả năng được thí điểm thực hiện.
Sau 2020, có thể thi THPT quốc gia trên máy tính
Tại cuộc họp bàn về phương án tổ chức thi, xét tuyển tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới sẽ có một số thay đổi. Theo đó, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh cho biết dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn giữ ổn định như năm 2019 với mục tiêu tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực, đảm bảo độ khách quan, tin cậy và có thể đánh giá được năng lực học sinh.
Từ giai đoạn năm 2021 - 2025, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có những thay đổi trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Về đối tượng dự thi, các học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 12 sẽ không bắt buộc phải tham gia kỳ thi này nếu không có nhu cầu lấy bằng tốt nghiệp. Nếu các em đáp ứng được các quy định của Bộ GD-ĐT thì sẽ được hiệu trưởng trường THPT hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Học sinh nào có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ đăng ký tham gia kỳ thi THPT quốc gia.
Nội dung thi THPT quốc gia sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là kiến thức của năm học lớp 12. Giai đoạn 2021 - 2025 kỳ thi này vẫn sẽ thi trên giấy như hiện nay và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.

Về hình thức thi trên máy tính, sẽ không chỉ có 1 đợt như thi THPT quốc gia hiện nay mà thí sinh có thể dự một số đợt trong năm tại địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập, đáp ứng được quy định của Bộ GD-ĐT. Khi đó, kết quả của cuộc thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để công nhận kết quả tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh.
Để phù hợp với phương thức tổ chức thi mới, các bài thi bắt buộc gồm toán, ngữ văn và ngoại ngữ trong giai đoạn 2021 - 2025 vẫn sẽ được giữ ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ cấu trúc lại các câu hỏi của bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Ông Mai Văn Trinh cho biết: 'Số câu hỏi trong từng bài thi có thể giảm, nhưng vẫn giữ được độ phân hóa để tạo thành một bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa'.
Ông Trình cũng cho biết thêm phương án thi của giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo được tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh, kế thừa kết quả của những năm 2015 - 2020 và đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như lộ trình tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo. Mục tiêu của phương thức thi THPT giai đoạn tiếp theo là đảm bảo được một cuộc thi gọn nhẹ, giảm áp lực, ít tốn kém, đảm bảo độ tin cậy. Đến sau năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Phương án thi trên máy tính sẽ được Bộ công bố trước 1 năm để phụ huynh và học sinh chủ động ôn tập, chuẩn bị tham gia kỳ thi.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cơ bản đồng ý với lộ trình và hướng đổi mới kỳ thi THPT quốc gia. Bà ủng hộ việc đưa công nghệ vào kỳ thi THPT quốc gia, tiến tới cho học sinh thi trên máy tính nhưng phải chuẩn bị kỹ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Việc áp dụng công nghệ, thi trên máy tính của kỳ thi THPT quốc gia trong giai đoạn sắp tới theo ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thì nên được áp dụng thí điểm ở một số thành phố lớn chứ không nên vội vàng áp dụng khắp cả nước ngay.
Các nước trên thế giới tổ chức thi Đại học như thế nào?
Trung Quốc
Trung Quốc được mệnh danh là một trong những nước có kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất thế giới. Kỳ thi này có tên cao khảo, thí sinh bắt buộc phải tham gia để được xét tuyển vào đại học. Thí sinh sẽ phải thi 3 môn bắt buộc là tiếng Trung, toán và ngoại ngữ và một bài thi tự chọn về khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Mỗi năm có khoảng 10 triệu học sinh cuối lớp 12 của Trung Quốc tham gia thi cao khảo và kể từ năm 2016 những người gian lận trong kỳ thi này có thể bị xử lý hình sự.

Cao khảo được đánh giá là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới
Hàn Quốc
Thi đại học ở Hàn Quốc cũng khắc nghiệt và khó khăn không kém Trung Quốc là bao nhiêu. Thậm chí nhiều người tại nước này gọi đây là một 'kỳ thi sinh tử' và cho rằng nếu ngủ 5 tiếng mỗi đêm, học sinh nên quên việc vào đại học đi. Thi đại học ở Hàn Quốc có tên tiếng Anh là CSAT, học sinh phải hoàn thành 7 môn gồm tiếng Hàn, tiếng Anh, toán học, hóa học, tiếng Trung cơ bản, khoa học xã hội và thi nghề. Thậm chí, điểm số trong kỳ thi đại học của Hàn Quốc không chỉ quyết định tương lai học vấn của thí sinh mà còn ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp và hôn nhân sau này.
Mỹ
Mỹ được coi là không có kỳ thi đại học cấp quốc gia mà chỉ có kỳ thi xét tuyển vào đại học dựa vào 2 bài thi độc lập là SAT (thi toán và tiếng Anh) và ACT (thi tiếng Anh, toán, đọc hiểu và khoa học). Học sinh cuối cấp sẽ gửi bảng điểm cùng với kết quả bài thi SAT hoặc ACT vào các trường đại học mình mong muốn. Các bài thi SAT hoặc ACT không tập trung vào kiểm tra kiến thức thí sinh mà đánh giá khả năng tư duy, phân tích và vận dụng kiến thức.
Nhật Bản
Kỳ thi xét tuyển đại học của Nhật Bản khá khác biệt với các nước khác trên thế giới. Ở đó thí sinh sẽ dự thi vào một kỳ thi xét tuyển đại học quốc gia được tổ chức trong 2 ngày giữa tháng 1 hàng năm. Kết quả của kỳ thi này được các trường đại học chấp nhận và dùng để tuyển sinh. Có 29 bài thi trong 6 môn học gồm Toán, khoa học, văn học Nhật Bản, ngoại ngữ, công dân, địa lý - lịch sử. Thí sinh sẽ chỉ làm những bài thi theo yêu cầu của trường đại học mà họ nộp đơn vào và các câu hỏi đều dưới dạng trắc nghiệm.
Nga
Từ năm 2009, Nga tổ chức thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức mới theo đó thí sinh sẽ chỉ phải thi 2 môn bắt buộc là toán và tiếng Nga. Đồng thời các thí sinh có thể chọn thi thêm các môn khác theo mong muốn cá nhân hoặc yêu cầu đặc biệt của các trường đại học. Đề thi của các môn có 2 phần gồm phần 1 là các câu hỏi ở dạng trả lời ngắn và phần 2 chỉ gồm 1 (hoặc một vài) câu hỏi, thí sinh có thể thỏa sức sáng tạo để làm.
Pháp
Thí sinh muốn tốt nghiệp trung học ở Pháp phải tham gia 1 cuộc thi là thi tú tài và lấy kết quả để xét tuyển đại học. Học sinh phải đạt 10/20 điểm (tính điểm trung bình các môn) để được tốt nghiệp, nếu chỉ đạt 8 hoặc 9 điểm thì sẽ phải thi lại hoặc tham gia bài thi vấn đáp sau đó. Thi tú tài ở Pháp chia làm 3 khối thi và thí sinh có thể chọn 1 khối để tham gia. Hình thức thi tú tài ở Pháp chủ yếu là viết và vấn đáp nhưng cũng có một số bài thi về khoa học phải thực hiện trong phòng thí nghiệm.

Post a Comment

Previous Post Next Post